Trước khi Trung tâm Thương mại Thế giới ra đời Trung tâm Thương mại Thế giới (1973–2001)

Vị trí

Phố Hàng đài vào năm 1936 cùng với đường Cortlandt, phía sau là nhà ga.

Diện tích Manhattan khởi nguyên bé hơn so với Manhattan ngày nay. Phần Tây của Hạ Manhattan, cụ thể khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới ngày nay, từ xưa nằm dưới sông Hudson. Khu vực bờ xưa kia chỉ giới hạn đến phía Tây phố Greenwich ngày nay. Cũng trên khu vực bờ sông này, gần ngã tư giữa phố Greenwich với phố Dey, tàu Tyger của nhà thám hiểm người Hà Lan Andriaen Block bị cháy vào tháng 11 năm 1613, khiến ông và thủy thủ đoàn bị mắc kẹt, buộc họ phải sống sót qua mùa đông khắc nghiệt trên đảo. Họ đã xây dựng những khu định cư đầu tiên của người Châu Âu trên mảnh đất Manhattan. Phần còn lại của tàu Tyger sau đó bị chôn vùi bởi hàng tấn đất đá trong quá trình lấp đất lấn sông mở rộng đảo năm 1797, sau này mới được phát hiện trong cuộc khai quật vào năm 1916. Xác của một con tàu khác có niên đại khoảng 300 năm được tìm thấy năm 2010 trong cuộc khai quật cũng tại khu vực này. Con tàu thứ 2 này được nhiều người tin rằng đây là một trong những chiếc thuyền sloop trên sông Hudson. Con tàu được tìm thấy cách chỗ đứng của tháp đôi về hướng Nam, sâu khoảng 20 feet (6.1 m) dưới mặt đất.

Một thời gian sau, khu vực trở thành khu Radio Row ( tạm dịch: Phố Hàng đài ) tại thành phố New York, tồn tại từ năm 1921 đến năm 1966. Trước phố Hàng đài, đây từng là một quận kho (warehouse district) cho khu TribecaKhu Tài chính. Năm 1921, Harry Schneck đã khai trương một cửa hàng điện tử trên đường Cortlandt mang tên City Radio. Sau đó, khu vực này dần phát triển trở thành vùng tập trung của nhiều cửa hàng điện tử lớn nhỏ với đường Cortlandt là tuyến đường trọng tâm chạy xuyên qua. Tại nơi đây, những chiếc radio đã qua sử dụng, những đồ dùng điện tử còn thừa sau chiến tranh (vd: radio ARC-5), đồ điện tử bỏ đi và những phần linh kiện khác được chất đống tại đây nhiều đến nỗi tràn ngập cả ra đường, thu hút nhiều nhà sưu tập cũng như người ăn xin. Đây cũng có thể được xem như là nguồn gốc của loại hình kinh doanh phân phối linh kiện điện tử.

Quá trình hình thành Trung tâm Thương mại Thế Giới

Ý tưởng việc thành lập Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York lần đầu được đề xuất năm 1943. Cơ quan lập pháp bang New York đã thông qua dự luật ủy quyền cho Thống đốc New York bấy giờ là Thomas E. Dewey để bắt đầu phát triển kế hoạch dự án, nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại năm 1949. Suốt những năm cuối 1940 đến 1950, sự phát triển kinh tế tại thành phố New York tập trung ở vùng Trung Manhattan. Nhằm kích thích quá trình đô thị hóa ở Hạ Manhattan đuổi kịp với Trung Manhattan, David Rockefeller đề nghị Cảng vụ nên xây dựng một Trung tâm Thương mại Thế giới tại Hạ Manhattan.

Cảng vụ có 2 lựa chọn: khu vực phía Đông Hạ Manhattan, gần hải cảng South Street hoặc khu vực phía Tây, gần trạm đường sắt Houston and Manhattan (H&M). Theo kế hoạch ban đầu công bố năm 1961, Cảng vụ xác định chọn khu vực dọc sông Đông dành để xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới. Nhưng do là cơ quan song bang, những dự án mới được Cảng vụ đề xuất đều cần phải có sự chấp thuận của Thống đốc cả 2 bang New YorkNew Jersey. Thống đốc bang New Jersey Robert B. Meyner đã phản đối dự án trị giá 335 triệu USD này của New York. Đến cuối năm 1961, những cuộc đàm phán với Thống đốc bang New Jersey dần đi vào bế tắc.

Vào thời điểm đó, số hành khách đi tàu trên tuyến đường sắt New Jersey's H&M đã sụt giảm đáng kể từ 113 triệu hành khách vào năm 1927 xuống còn 26 triệu vào năm 1958 sau khi người ta xây hầm chui và cầu bắc qua sông Hudson. Trong một cuộc gặp giữa giám đốc Cảng vụ Austin J. Tobin với Richard J. Hughes, tân thống đốc bang New Jersey, Cảng vụ đề nghị rằng họ sẽ tiếp nhận đường sắt H&M. Đồng thời Cảng vụ cũng quyết định sẽ dời dự án Trung tâm Thương mại Thế giới sang khu vực phía Tây đảo Manhattan thay vì phía Đông như dự định trước đó, cụ thể là ngay tại khu đất của tòa nhà Hudson Terminal, vị trí này tạo sự thuận tiện hơn cho người dân ở bên New Jersey đến làm việc hằng ngày. Như vậy, bằng việc mua lại tuyến đường sắt H&M, cũng như thỏa thuận về vị trí mới của Trung tâm Thương mại Thế giới, chính quyền New Jersey đã chấp thuận việc hỗ trợ cho dự án Trung tâm Thương mại Thế giới. Cũng theo thỏa thuận, Cảng vụ đã đổi tên tuyến đường sắt thành Port Authority Trans-Hudson, gọi tắt là PATH.

Việc trưng thu khu đất bao quanh bởi 4 tuyến Vesey, Church, Liberty, và West đã được lên kế hoạch từ năm 1961. Nhằm đền bù cho những chủ doanh nghiệp buộc phải di dời tại Phố Hàng đài, Cảng vụ bồi thường cho mỗi hộ kinh doanh 3,000 USD (tương đương 24,676 USD theo thời giá 2020) bất kể quy mô lớn nhỏ thế nào hay doanh nghiệp đó đã kinh doanh tại đó trong bao lâu, việc đền bù bắt đầu thực hiện từ tháng 3 năm 1965, đến tháng 3 năm 1966 thì Phố Hàng đài bắt đầu bị dỡ bỏ, việc dỡ bỏ hoàn thành vào cuối năm đó.

Những bất đồng về thuế đã xảy ra. Sự đồng thuận giữa Thị trưởng thành phố New York và Hội đồng Thành phố gặp nhiều trở ngại. Ngày 3 tháng 8 năm 1966, các bên đưa ra nhất trí, theo đó Cảng vụ sẽ phải đóng một khoản tiền hằng năm cho thành phố New York như là một khoản thuế khi cho những doanh nghiệp tư nhân thuê những phần trong Trung tâm Thương mại Thế giới.